- CPI thời gian qua tăng thấp, thậm chí âm, theo ông, đây là điều đáng mừng hay đáng lo?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Với việc CPI tăng thấp, thậm chí âm, tôi cho rằng chúng ta khó có thể nhận định ngay rằng đây là điều đáng mừng hay đáng lo.
Ở các nước phát triển, người ta đặt mục tiêu lạm phát mỗi năm từ 2-3%, trong khi Việt Nam có những tháng CPI so với tháng trước đã tăng trên 3%. Còn với các nước đang phát triển thì ngược lại, do bối cảnh của nền kinh tế, do mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, thông thường lạm phát ở các nước này thông qua chỉ số giá tiêu dùng xấp xỉ hai con số.
Việt Nam nhiều năm có chỉ số giá tiêu dùng xấp xỉ 10%. Với nền kinh tế Việt Nam thì như thế là bình thường, chúng ta đang cố gắng đặt mục tiêu đạt mức độ tăng trưởng kinh tế cao nhất có thế, nhưng đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Xét về mặt mục tiêu chúng ta đặt ra cho năm 2012 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì diễn biến chỉ số giá tiêu dùng như vậy là đáng mừng. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề hay điều đáng lo là việc dẫn đến lạm phát thấp như vậy cơ bản liên quan đến tổng cầu của nền kinh tế có tốc độ tăng chậm lại rất nhiều trong nửa đầu năm 2012.
- Thưa ông, với diễn biến như vậy của CPI thời gian qua, có nhiều ý kiến lo ngại rằng từ nay tới cuối năm sẽ kéo dài nguy cơ giảm phát, trong khi nhiều ý kiếm khác lại cho rằng lạm phát giảm thấp chỉ mang tính tạm thời. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, ông có dự báo như thế nào về CPI trong những tháng còn lại của năm?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng cả hai ý kiến như vậy đều có lý của nó. Về ý thứ nhất, chúng ta thấy CPI không chỉ tăng âm trong tháng 6, tháng 7 mà thực ra đã tăng rất thấp từ tháng 3. Nếu chúng ta không cải thiện được nguyên nhân cơ bản của vấn đề này thì tình trạng mà chúng ta lo ngại nền kinh tế rơi vào lạm phát, CPI âm liên tiếp rất có thể xảy ra.
Luồng ý kiến thứ hai, tôi cho rằng cũng có lý của nó, và cá nhân tôi thì thiên về ý kiến này hơn. Điều này dựa trên một số căn cứ: sức mua, tổng cầu không được cải thiện trong khi mặt bằng giá cả chung vẫn tăng do chúng ta đẩy giá một số nguyên nhiên vật liệu cơ bản lên (giá điện, giá xăng dầu, viện phí.. ). Rõ ràng, điều này cho thấy diễn biến của CPI có thể đảo chiều, thậm chí đảo chiều ngay trong những tháng cuối của quý 3 và rõ rệt nhất là vào quý 4. Một nhóm yếu tố nữa cũng không kém phần quan trọng là để khắc phục sự đình đốn của nền kinh tế, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chính sách vĩ mô của chúng ta rất có thể đảo chiều từ việc thắt chặt trong năm 2011 sang nới lỏng hơn trong năm 2012, cụ thể là có thể tăng tín dụng, tăng chi đầu tư công, giảm thuế.
Nếu chúng ta không kiểm soát được mức độ lới nỏng thì rất có thể chúng ta sẽ lại thấy lạm phát cao quay trở lại trong quý 4/2012. Về tổng thể, có thể dự báo năm 2012 chúng ta có thể giữ được lạm phát ở mức một con số như chúng ta đã đặt mục tiêu từ đầu năm.
- Vậy để giải quyết căn cơ những vấn đề trên, đâu là giải pháp cơ bản?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Để giải quyết căn cơ những vấn đề trên, giải pháp chúng ta đang kỳ vọng là chương trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong trọng tâm này, chúng ta sẽ thay phát triển theo chiều rộng vốn là môi trường rất dễ tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô trong đó có vấn đề lạm phát cao bằng cái phát triển theo chiều sâu (dựa vào năng suất, hiệu quả sử dụng các nguồn lực vốn, hiệu quả sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ). Đặc biệt là lưu ý cơ cấu lại đầu tư trong đó có đầu tư công để nâng cao hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để xử lý giải pháp căn cơ này cần có thời gian, có thể là 5 năm hoặc 10 năm để thực hiện chương trình tái cơ cấu tổng thể như vậy. Đối với vấn đề trước mắt, cần cải thiện thiện tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt là tập trung cải thiện tổng cầu tiêu dùng.
Theo đó, có 2 nhóm giải pháp: thứ nhất, xác định nguyên nhân khiến sức mua tăng chậm, đó là do mặt bằng giá quá cao so với cầu có khả năng thanh toán, do đó chúng ta phải làm sao đưa mặt bằng giá xuống phù hợp với cầu có khả năng thanh toán, gắn với đó là củng cố niềm tin tiêu dùng. Thứ hai, tăng cầu có khả năng thanh toán, tức là tăng thu nhập, của người tiêu dùng, thông qua đó giải quyết được vấn đề tiêu thụ hàng hóa, tiêu thụ hàng tồn kho, giúp cho doanh nghiệp bước vào vòng quay mới, tránh tình trạng phải giải thể hay ngừng hoạt động.
- Xin cám ơn ông./.