Kinh doanh 1
  
Thẩm Định Giá Thịnh Vượng
  
Lê Thị Thanh Tuyết
  
CẢI CÁCH VƯỢT BẬC MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ Ở VIỆT NAM

Lợi thế về môi trường đầu tư Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục vẫn được nhấn mạnh vào đội ngũ lao động trẻ, dễ đào tạo, đông đảo và ngày càng năng động thích ứng với cơ chế thị trường. Ngoài ra, còn là sự ổn định chính trị và những ưu thế khác về độ an toàn trước các thiên tai như động đất, sóng thần và nạn khủng bố…

Những thành công trong cải cách môi trường đầu tư

Những thành công nổi bật về môi trường đầu tư được thể hiện tập trung và đậm nét ở sự ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và sự nhất quán một luật đầu tư áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp và những ưu đãi đầu tư không phân biệt theo thành phần kinh tế.

Nhiều căn cứ thực tế cho thấy, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã, đang và sẽ có điều kiện sản xuất kinh doanh năm ngày càng tốt hơn, cả về nhu cầu thị trường trong nước, nhu cầu thị trường quốc tế, cơ hội tiếp cận vốn vay, lao động, thông tin thị trường và công nghệ, điều kiện hạ tầng giao thông và mặt bằng kinh doanh. Môi trường kinh doanh cho các DN ngày càng được cải thiện nhờ các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp với nhau trong xây dựng, triển khai và hoàn thiện chính sách, lắng nghe thông tin phản hồi và kịp thời điều chỉnh những quyết định quản lý; rút ngắn thời gian cho DN nhờ cải cách số lần và thủ tục khai nộp thuế, thông quan; giảm mức thuế, lãi suất và nới lỏng hạn mức, điều kiện tín dụng, cùng với sự giảm nhẹ áp lực nợ xấu và gia tăng ổn định hệ thống ngân hàng theo hướng từng bước tiếp cận các chuẩn mực chung thế giới; tăng cường thông tin định hướng, cải cách hành chính và cải thiện chất lượng dịch vụ công; thúc đẩy cổ phần hóa DN nhà nước, nới “room” và tăng tự do hóa, sự bình đẳng thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội; duy trì thành công các quan hệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các khu vực DN.

Đặc biệt, những hỗ trợ giảm thiểu cùng lúc cả 3 gánh nặng tài chính –tín dụng và thể chế cho doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.Chính phủ ngày càng chủ động và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phối hợp với nhau, cả trong xây dựng, triển khai thực hiện và tiếp tục quá trình hoàn thiện chính sách; đồng thời, đây cũng là năm trong hoạt động quản lý của mình, nhiều cơ quan Bộ, ngành đã tích cực và chủ động trong việc “Lắng nghe thông tin phản hồi và hành động”, tiếp thu phản ánh, kiến nghị và chỉnh sửa, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc và bất cập chính sách, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân (ND). Tiêu biẻu như:  Bộ Tài chính quyết liệt cải cách hành chính, sửa đổi các chính sách thuế, hải quan (Nghị định 91/2014/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại 4 Nghị định về thuế; Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa 7 Thông tư để cải cách, đơn giản các thủ tục về thuế; một số Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Hải quan sửa đổi…). Các Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực trong việc rà soát, rút ngắn danh mục “giấy phép con” để tạo môi trường pháp lý, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho ND, DN. Bộ Giao thông vận tải có hàng loạt các chỉ đạo quyết liệt cải cách ngành đường sắt, đường bộ, hàng không đã đem lại sự hưởng ứng, đồng thuận của xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ tạm dừng thực hiện Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhận được sự đánh giá cao của DN…Tỉnh Quảng Ninh đã định nếp thường kỳ tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các DN, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạoTỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương trực tiếp lắng nghe và giải đáp ý kiến của hàng trăm DN đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Năm 2014 đã có trên 200 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp được các ngành, đơn vị của tỉnh tiếp nhận và giải quyết thong qua những hội nghị này. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” năm 2014 được lãnh đạo Cục Thuế TPHCM tổ chức trực tiếp tại cơ quan thuế, mà còn mở rộng qua các kênh giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo đài. Kết thúc tuần lễ tiếp nhận hàng ngàn ý kiến người nộp thuế, ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục thuế TP cho rằng: Cứ hễ dân ít hỏi là chúng tôi mừng, vì điều đó cho thấy ngành thuế ngày một tiến bộ...Ngoài ra, hầu hết các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập và các cấp chính quyền từ TW đến địa phương đều đã và đang duy trì hiệu quả các đường dây nóng, tăng cường liên lạc trực tiếp giữa các chủ thể và đối tượng quản lý, giữa nhà nước với người dân và doanh nghiệp, để có sự điều chỉnh chính sách hay có thông tin định hướng phù hợp, kịp thời trong các lĩnh vực phụ trách của mình. Tinh thần đối thoại, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng DN cũng được thiết lập, khẳng định và tô đậm hơn khi ở cấp cao nhất qua kênh đối thoại chính thức giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ sáng 2-12-2014, với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới”, ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, thiết thực của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn thường xuyên nhận được góp ý của các tập đoàn, DN, tổ chức quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải cách. Đây là cơ sở để nhà nước chủ động tiếp thu hợp lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát với thực tế hơn, tạo mọi thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

CPI thấp và những nhân tố trên góp phần cải thiện môi trường đầu tư và mức tín nhiệm của Việt Nam thời gian gần đây, được thể hiện qua sự cải thiện xếp hạng các chỉ số BCI-Chỉ số niềm tin kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Chỉ số tín nhiệm quốc gia  của tổ chức Moody’s (từ B2 lên B1, mức triển vọng và “tích cực); và Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam của Ngân hàng ANZ ở Việt Nam và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch...

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, ngày 10 tháng 7 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Trên cơ sở đó, ngày 22 tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1962/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, trong đó xác định rõ việc xây dựng “Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật” trong thời gian tới (dự kiến năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).

Đây là những việc làm đúng đắn và là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp (DN) và người dân (ND). Điều đó cho thấy cách nghĩ, cách làm mới có trách nhiệm và hiệu quả hơn của các cơ quan công quyền, tăng khả năng phản ứng thị trường và cả phản ứng chính sách, sự điều hành tích cực, quyết liệt của Chính phủ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Tinh thần đổi mới trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là tăng cường phối hợp với nhau, cũng như chuẩn hóa, công khai và minh bạch quy định và quy trình lấy và phản hồi, tiếp thu và không tiếp thu ý kiến đóng góp của DN và ND trong xây dựng và thực thi chính sách và hoạt động của cơ quan công quyền; thái độ và hành động  thực sự cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, tích cực phản hồi kịp thời vì cộng đồng DN và ND, sẽ tạo  động lực mới góp phần bảo đảm Việt Nam hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2015 và tiếp theo...Tất cả đang tạo lập và củng cố động lực niềm tin đầu tư, niềm tin tiêu dùng cho cả DN và ND. Niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng, niềm tin thị trường và tín nhiệm quốc gia chính là lòng tin vào tương lai, vào năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Chúng không thể xuất hiện bất ngờ và càng không thể mua được bằng tiền. Lòng tin cộng đồng là kết quả tổng hợp, tích tụ những nỗ lực lâu dài của nhà nước trong đề cao trách nhiệm, khả năng lắng nghe, tiếp thu, hành động tích cực, cải thiện các quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế, khát khao hòa bình, cùng cố quan hệ đối thoại cả đối nội và đối ngoại…

Lòng tin sẽ được tiếp tục củng cố trong thời gian tới cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện nhiều đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền trên cơ sở trọng dụng người hiền tài “đúng người, đúng việc” và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, phát huy dân chủ; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và điều tiết dòng tín dụng vào đúng chỗ, đúng lúc; xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin của DN…

Lòng tin góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia. Ngược lại, chính sách quốc gia tạo lập và củng cố lòng tin. Lòng tin gia tăng đồng nghĩa với động lực phát triển sẽ được cải thiện. Tăng cường trách nhiệm công vụ, giữ vững, củng cố và khai thác động lực lòng tin ngày càng trở thành định hướng và nhiệm vụ thường xuyên, nhất quán, mạnh mẽ, là mục tiêu và động lực cho quá trình cải cách và phát triển đất nước và DN. Tinh thần trách nhiệm mới tạo niềm tin mới, lực đẩy mới, hy vọng mới và thành công mới…

Tiếp tục tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư

Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đứng trước nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để cải thiện môi trường đầu tư và tuân thủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Dù có những bước cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật vẫn chưa đạt yêu cầu của xã hội nói chung và của DN nói riêng. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn các luật còn nhiều. Một số quy định pháp luật, nhất là các Thông tư do các Bộ, ngành ban hành có tính khả thi thấp, chưa dựa trên các cơ sở thực tiễn pháp lý vững chắc. Thậm chí một số  quy định được ban hành, nhưng không đồng bộ và còn chồng chéo, mâu thuẫn, triệt tiêu hiệu lực của nhau. Không ít quy định mới chỉ dừng ở việc phản ánh lợi ích cục bộ của ngành, của nhóm lợi ích. Tính ổn định, tính minh bạch, rõ ràng, dễ tiên liệu của một số quy định pháp luật còn hạn chế. Quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình và việc áp dụng luật còn khó khăn, chưa mang lại lợi ích tốt nhất cho ND và DN. Năm 2014, ngành tư pháp và các bộ, ngành, địa phương toàn quốc đã tích cực rà soát trên 100.000 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), bước đầu kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới 282 văn bản, hoàn thành việc đơn giản hóa thêm 358 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt, đạt tỷ lệ 92,8%; một số đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và dân sinh. Song việc triển khai thi hành Hiến pháp vẫn còn không ít hạn chế, bất cập cả về sự đồng bộ, tiến độ, chất lượng VBQPPL. Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 vừa qua, trong 10 tháng đầu năm 2014, các bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra và phát hiện 9.017 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp (chiếm tỷ lệ 22%). Trong số đó có hơn 1.500 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản. Riêng Bộ Tư pháp cũng đã phát hiện 885 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp. Một số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật chưa được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, mà nhờ được các cơ quan báo chí phát hiện, nêu vấn đề trước… Trong số các nguyên nhân, theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, có việc tự kiểm tra của tổ chức pháp chế còn chưa thực sự hiệu quả. Việc rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất VBQPPL còn mang tính hình thức, còn có sự dè dặt, nể nang trong kiểm tra, xử lý; Đặc biệt, nhiều quy định của Hiến Pháp trong luật chưa được hiểu một cách thống nhất, có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài trong hệ thống pháp luật.

Trong cơ chế quản lý nhà nước pháp quyền, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trước hết dựa trên và được đo lường bằng chất lượng hệ thống VBQPPL có liên quan. Nếu các VBQPPL xây dựng kém chất lượng, ban hành sai thẩm quyền và quy trình, nợ đọng các văn bản hướng dẫn và có nhiều sai phạm trong thực hiện, lại chậm được phát hiện và chỉnh sửa, chắc chắn sẽ không chỉ làm giảm vai trò, hiệu quả, uy tín thể chế và quản lý nhà nước, mà còn làm phát sinh tác động mặt trái kéo dài, gây lạm dụng, tham nhũng và thất thoát, lãng phí các nguồn lực, cũng như làm tăng những nghi ngại, sự xuyên tạc và hiểu lầm vào bản chất chế độ sự quản lý nhà nước. Đặc biệt, sự kiện gần đây nhất diễn ra cuộc đình công của hàng chục ngàn công nhân phía Nam liên quan đến sự chưa thấu đáo trong xử lý quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo luật BHXH mới sẽ có hiệu lực từ 1/2016 cho thấy, khi quy trình và chất lượng làm luật chưa tốt thì hậu quả sẽ khó lường, vì không chỉ gây thiệt hại cho DN, mà còn còn khiến các nhà đầu tư e ngại; đồng thời, làm giảm sút sức hấp dẫn môi trường đầu tư, thậm chí giảm uy tín, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp cao nhất. Thậm chí, có thể tạo cơ hội cho sự lợi dụng phá hoại sự ổn định chính trị-xã hội nói chung như một thành tựu lớn và quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, các cơ quan chức năng, trước hết là Bộ Tư pháp với vai trò là “người gác cổng”, cần coi trọng nâng cao năng lực và trách nhiệm xây dựng và rà soát hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành VBQPPL, cũng như hướng dẫn thi hành và tiếp tục hoàn thiện VBQPPL sau ban hành; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản cho phù hợp với Hiến pháp mới.

Yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong quá trình đẩy mạnh đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế đòi hỏi cần tiếp tục xu hướng nới lỏng “tiền kiểm” để tăng thuận lợi và giảm chi phí cho các doanh nghiệp tham gia và rút khỏi thị trường. Nhưng thực tế đã, đang và sẽ còn chứng tỏ đối với công tác xây dựng và thực hiện các VBQPPL thì ngược lại, cần xiết chặt hơn cả yêu cầu “tiền kiểm” và cả “hậu kiểm”, với sự tham gia đóng góp rộng rãi, dân chủ của người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương, hạn chế thấp nhất các VBQPPL ‘trên trời”, bị sai phạm cả về hình thức, thẩm quyền và nội dung…

Tái cơ cấu ngành ngân hàng là một trong những nội dung quan trọng và là một trong 3 trụ cột trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Vấn đề mấu chốt lớn nhất trong tái cơ cấu ngành ngân hàng hiện nay chính là giải quyết nợ xấu và sở hữu chéo. Để hỗ trợ quá trình này và cải thiện môi trường đầu tư, cần sớm bổ sung và hoàn thiện những quy định pháp lý đủ hiệu lực và rõ ràng về việc chế tài những vi phạm về sở hữu chéo và vượt trần sở hữu của cá nhân, tổ chức; cho phép các nhà đầu tư được quyền thành lập công ty mua bán nợ, thực hiện mua bán nợ, cùng với việc sở hữu và xử lý tài sản thế chấp là bất động sản. Đồng thời, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu mới về hội nhập, bảo đảm an toàn trong cho vay và bảo lãnh ngân hàng, thu hồi nợ vay…Ngoài ra, nghiên cứu giảm hoặc bỏ thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp bán tài sản bảo đảm không thu hồi đủ vốn vay; sửa Bộ luật Dân sự về tăng lãi suất chậm thi hành án, chậm trả nợ để buộc người có nghĩa vụ trả nợ chấp hành nghiêm túc, nhanh chóng, xóa nghịch lý con nợ càng chây ì, kéo dài thời hạn trả nợ thì lại càng có lợi cho mình.

Yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư đối với DNNN thời gian tới đòi hỏi cần xử lý hiệu quả hơn mối quan hệ giữa sở hữu và quản lý; tạo thêm sức ép và những động lực thúc đẩy DNNN kinh doanh vị lợi nhuận phải bình đẳng hơn với các DN khác về vốn, đất đai, phải “tự thân vận động” trong thời kỳ cơ chế thị trường khốc liệt hiện nay; đổi mới cơ chế tuyển chọn và giám sát bãi miễn, miễm nhiệm người đứng đầu DN khi DNNN làm ăn thua lỗ, không hoàn thành kế hoạch kinh doanh…Đặc biệt, ngăn chặn tình trạng DNNN độc quyền lạm dụng vị thế độc quyền, chạy theo lọi ích trước mắt, cục bộ, làm méo mó môi trường kinh doanh, coi tăng giá là biện pháp duy nhất (dễ nhất) để bù lỗ, bù đắp sự yếu kém trong quản lý kinh doanh.

Những mục tiêu trọng tâm

Theo Quyết định số 690/QĐ-TTG ngày 11/5/2014, lần đầu tiên đã hình thành một thể chế nhà nước mới là Ban Chỉ đạo (BCĐ) điều hành giá do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban. Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban, với các thành viên là lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan. BCĐ có nhiệm vụ nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc xem xét, phê duyệt hoặc quyết định, chỉ đạo các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố điều hành và thực hiện những chủ trương, định hướng lớn, các chính sách và biện pháp bình ổn giá cụ thể đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu; xử lý một số vấn đề khác liên quan đến điều hành giá, bảo đảm quản lý nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ. Đặc biệt, trong cơ chế hoạt động của BCĐ có điểm mới tích cực, đề cao dân chủ hóa và trách nhiệm cá nhân, đáng chú ý là: tổ chức thảo luận, hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, hiệp hội các ngành hàng, tổ chức và các cá nhân có liên quan về những chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý, điều hành giá khi cần thiết; khảo sát, nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao; đồng thời, mỗi thành viên BCĐ được bảo lưu ý kiến cá nhân và gửi trực tiếp lên Thủ tướng...

Thể chế quản lý giá mới là bước tiến mới và tạo kỳ vọng mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đột phá thể chế, khắc phục các ngộ nhận và lỗ hổng trong nhận thức và hành động, hoàn thiện cơ chế quản lý giá theo hướng: hài hoà lợi ích, bảo đảm tính minh bạch và có thể dự báo được của giá cả, sự cạnh tranh ngày càng đầy đủ và sự tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình, tín hiệu thị trường, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới; tạo động lực và định hướng phát triển thị trường, góp phần kiềm chế vững chắc lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát cả độc quyền nhà nước và tư nhân; hạn chế các hành vi và hệ lụy chuyển giá, gian lận về giá, tình trạng “lỗ giả-lãi thật” và ngược lại. Đồng thời, yêu cầu hoàn thiện thể chế quản lý giá cũng cần tránh các can thiệp vào giá mang đậm tính hành chính chủ quan, duy ý chí, tạo bình ổn giá hình thức, khiên cưỡng bằng cơ chế xin-cho hoặc kéo dài sự chênh lệch giá trong nước-nước ngoài, bán buôn-bán lẻ bởi độc quyền kinh doanh và sự hạn chế của hệ thống lưu thông phân phối và thông tin thị trường... Hoàn thiện thể chế quản lý giá là hoàn thiện cơ chế phối hợp cả 2 bàn tay thị trường và bàn tay nhà nước, mở rộng quyền lực quyết định của người tiêu dùng và giám sát xã hội  đối với giá. Đây vừa là nội dung trọng tâm và nhiệm vụ ưu tiên, vừa là giải pháp, cũng như thước đo về sự minh bạch của môi trường đầu tư và cơ chế thị trường, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực mới thúc đẩy hành trình tiến tới công bằng, hài hòa về lợi ích xã hội theo yêu cầu phát triển bền vững trong quản lý KT-XH nói chung, quản lý giá nói riêng.

 Một vấn đề trọng tâm khác là tiếp tục cải cách môi trường đầu tư thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công và kiểm soát nợ công; nhất là cần tăng năng lực kiểm soát lợi ích nhóm trong quản lý các dự án đầu tư công ở địa phương, giảm thiểu cơ chế xin-cho và nhu cầu ảo vốn đầu tư công, làm ảnh hưởng lớn tới cân đối ngân sách của Nhà nước và nền kinh tế; tăng cường trách nhiêm cá nhân khi để xảy ra sai phạm trong đầu tư công và chậm triển khai các dự án đầu tư, cũng như kiểm soát trần nợ công để nợ công không phải là quả bom nổ chậm đe dọa sự ổn định môi trường vĩ mô và hiệu quả chung nền kinh tế.

 Để Tuyên ngôn phục vụ khách hàng đi vào cuộc sống cần lắm những phản ánh trung thực

Sau gần 4 năm thực hiện, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng theo Quyết định số 225/QĐ – TCHQ ngày 09/2/2011 do Tổng cục Hải quan ban hành có hiệu lực vào tháng 3/2011 đã được sự ủng hộ, đồng thuận của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong toàn ngành. Các đơn vị hải quan đã chú trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cũng như rèn luyện đạo đức, tác phong cho cán bộ công chức. Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã trực tiếp đi kiểm tra 12/34 cục hải quan các tỉnh, thành phố lớn cho thấy, tất cả các đơn vị hải quan địa phương đều đáp ứng được 100% cam kết trong Tuyên ngôn phục vụ khách hàng. Để các cán bộ hải quan tiếp tục hoàn thành tốt công tác cũng như đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời gian tới, nhất là khi công cuộc cải cách hiện đại hóa các hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, Cơ chế một cửa quốc gia, xây dựng đối tác Hải quan – doanh nghiệp… Tổng cục Hải quan đã tiếp tục sửa đổi, bổ sung những yêu cầu mới trong Tuyên ngôn phục vụ khách hàng. Tháng 4/2015, Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 952/QĐ – TCHQ về việc sửa đổi một số nội dung của Tuyên ngôn phục vụ khách hàng. Việc sửa đổi một số nội dung trong Tuyên ngôn phục vụ khách hàng nhằm đáp ứng mục tiêu mới trong việc phục vụ khách hàng nhưng vẫn dựa trên phương châm “Chuyên nghiệp – Minh bạch – Hiệu quả”.

Trong Tuyên ngôn khách hàng mới, các thay đổi chủ yếu tập trung vào các cam kết cụ thể về thời gian cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan, về thời gian kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, về thời gian giám sát cổng cảng… cho phù hợp với Luật Hải quan 2014 vừa được Quốc hội phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực kể từ 1/1/2015.

Trên thực tế, về thời gian kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa đã đáp ứng đúng với quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 21 của Luật Hải quan như: Hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 02 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan; Hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan; cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc để bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu…

Tuy nhiên, riêng về thời gian giám sát cổng cảng, mặc dù trong Tuyên ngôn cam kết là không quá 3 phút nhưng trên thực tế thử nghiệm, hệ thống giám sát vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, hiện nay cơ quan Hải quan đang triển khai Đề án áp dụng mã vạch trong quy trình giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu cảng biển thuộc quản lý của Cục Hải quan TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Nếu đạt yêu cầu tiến tới sẽ áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Việc triển khai Tuyên ngôn sửa đổi đã được thực hiện ngay trong tháng 4/2015, sau khi Tổng cục Hải quan ký Quyết định sửa đổi. Đến nay, sau 2 tháng triển khai đã có 34/34 Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có báo cáo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan gửi về Tổng cục Hải quan về việc tuyên truyền, kế hoạch triển khai thực hiện Tuyên ngôn phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, để Tuyên ngôn phục vụ khách hàng thực sự đi vào cuộc sống, rất cần có những phản ánh trung thực, chính xác để Tổng cục Hải quan kịp thời động viên, khen thưởng những cán bộ CNVC thực hiện tốt Tuyên ngôn, cũng như kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu… Trong buổi gặp mặt nhân dịp 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2015), ông Bùi Ngọc Lợi – Phó Vụ trưởng Vụ TCCB Tổng cục Hải quan mong rằng, ngoài việc tuyên truyền thì báo chí chính là kênh để giám sát các cơ quan hải quan trong việc thực hiện Tuyên ngôn, việc phát hiện kịp thời những hành vi trái với tinh thần cải cách, trái với các cam kết trong Tuyên ngôn… sẽ giúp Tổng cục Hải quan có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời và đưa Tuyên ngôn đi vào cuộc sống.





Ý kiến của bạn


* Sun Property thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại điểm đến “hot” nhất Phú Quốc
* Sốt đất miền trung: Đất tăng từng giờ, mua tuần trước bán tuần sau lãi cả tỷ bạc
* "Cò" lẳng lặng biến mất sau khi thổi giá, tạo 'sốt đất' vùng quê
* Đắk Lắk sốt đất chưa từng thấy, người TP HCM và Hà Nội đổ xô đến mua
* Diễn biến mới vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc gần 600 tỷ đồng đấu giá đất Thủ Thiêm
* Tân Hoàng Minh làm dự án trên ''đất vàng'' Hà Nội ra sao?
* Vì sao nhà phố biển được giới đầu tư săn đón tại Bình Thuận?
* Nhơn Hội New City gia tăng giá trị nhờ quy hoạch vùng
* Bất động sản tăng trưởng, Hà Nội khan hiếm chung cư sắp bàn giao
* Giá vàng hôm nay 12/1: Vàng trong nước và thế giới "rủ nhau" tăng dữ dội
First
Prev
Page 1 of 65
[1]
2
3
4
5
6
7
8
9
10
61
62
63
64
65
Next
Last
* Tăng cường kiểm tra, giám sát năng lực tài chính của doanh nghiệp
* Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế
* Sắp đề xuất gói hỗ trợ cho vay mua nhà mới
* Công chức sẽ được vay 2 tỉ đồng mua nhà
* Hội nhập ASEAN có lợi cho bất động sản thương mại, kho vận
* Tiêu thụ nhà ở TP HCM lại sụt giảm
* THÔNG TIN VỀ GIÁ SỮA CHO TRẺ EM DƯỚI 6 TUỔI
* Bộ Tài chính tổ chức thành công kỳ thi thẩm định viên về giá lần thứ X
* Những tấm chăn tình nghĩa
* Địa ốc Sài Gòn phân hóa theo 2 cực Đông - Nam
First
Prev
Page 1 of 205
[1]
2
3
4
5
6
7
8
9
10
201
202
203
204
205
Next
Last