Sóng ngầm
Từ năm 2009, hoạt động M&A BĐS đã diễn ra khá sôi động và tạo nên
một đợt “sóng ngầm” trên thị trường BĐS khi ghi nhận nhiều thương vụ
đình đám của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điển hình, Tập đoàn
Lotte Hàn Quốc liên tiếp thâu tóm các mặt bằng bán lẻ có vị trí đắc địa
tại các TP lớn của Việt Nam. Ngoài thương vụ đình đám mua lại dự án
Hanoi City Complex (phố Liễu Giai, Hà Nội) từ Coralis Việt Nam năm 2009
và sắp hoàn thiện công trình có tổng diện tích mặt sàn lên đến
250.572m2, đến cuối năm 2012, Lotte còn mua lại 20% cổ phần tại Minh Vân
để sở hữu 100% Lotte Mart ở quận 7 và tại tòa nhà The EverRich ở TP Hồ
Chí Minh.
Ngoài ra, hoạt động M&A cũng diễn ra khá sôi động ở phân khúc trung
tâm thương mại, văn phòng và khách sạn. Theo báo cáo của Công ty
Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn M&A các dự án BĐS: Khoảng 30% các
dự án đang tìm đối tác để chào bán, chuyển nhượng, trong đó có tới 50%
nằm ở khu vực phía Tây (Thanh Xuân, Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoài Đức). Tuy
nhiên, trên thực tế các thương vụ có nhu cầu chuyển nhượng đã diễn ra
nhiều hơn rất nhiều con số được công bố.
|
Việc chuyển nhượng, sáp nhập dự án là một trong những giải pháp để giải quyết hàng tồn BĐS |
Theo các chuyên gia BĐS, sở dĩ có tình trạng này vì các doanh nghiệp sợ
ảnh hưởng danh tiếng và công việc kinh doanh nên các thương vụ thường
giao dịch trong "vòng bí mật". Thậm chí, nhiều thương vụ được cho là
chào bán công khai nhưng mọi việc đã được tiến hành xong từ rất lâu, sau
đó mới làm thủ tục chào mua, chào bán. "Các dự án BĐS ngại công bố
thông tin, do một phần có hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng. Họ mua lại
dự án và có thể tiếp tục bán cho các bên khác nếu thấy giá lời. Chính vì
thế, họ không muốn tiết lộ thông tin nhạy cảm này" - ông Lê Minh Dũng -
Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Công ty CBRE Việt Nam cho biết.
Xu hướng tất yếu
Hầu hết các chuyên gia BĐS khi được hỏi đều cho rằng, xu hướng M&A
diễn ra là tất yếu. Bởi sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường đóng
băng, rất nhiều chủ đầu tư bị nợ đọng vốn, suy kiệt tài chính, dẫn đến
mất năng lực phát triển dự án. Việc giảm giá, bán bớt hoặc chuyển nhượng
một phần dự án được cho là phương án tối ưu để tái cấu trúc và tiếp tục
hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong
nước, tiềm lực kinh tế dồi dào đã nhận thấy đây là cơ hội để mua được
những sản phẩm như ý. Thậm chí là mua gom để phát triển và mở rộng dần
hoạt động kinh doanh sau này, vì hiện thị trường nguồn cung nhiều, đa
dạng, giá rẻ.
Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp
(Vietnam M&A Forum), xu hướng M&A còn tiếp tục sôi động trong
thời gian tới, với tốc độ tăng trưởng từ 25 - 30%. Giai đoạn 2013 -
2017, thị trường còn có thể ghi nhận các thương vụ mua bán, sáp nhập,
chuyển nhượng quy mô lớn và từ nhiều chủ đầu tư là doanh nghiệp, tập
đoàn nước ngoài hơn.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, về tổng thể, có 3 lý do cơ bản để
chọn M&A là một giải pháp tối ưu nhằm gia tăng nhanh chóng quy mô
của một công ty. Thứ nhất, lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Thứ hai, gia tăng
sức mạnh thị trường. Thứ ba, đầu tư tài chính. Vì vậy, như ông Marc
Townsend - Tổng Giám đốc Điều hành Công ty CBRE Việt Nam nói: M&A
BĐS đang trở nên sôi động nhất 3 năm qua với tốc độ nhanh hơn so với
cách đây 5 năm và mức độ minh bạch cũng cao hơn. Trong 6 tháng tới, các
thương vụ mua bán, sáp nhập sẽ tăng nhiệt vì có nhiều hàng để chọn lựa
và việc đàm phán, tiếp cận dễ dàng hơn.
Hoạt động M&A thời điểm này là tín hiệu tốt. Ngân hàng thu được
tiền, chủ đầu tư cũ cũng thu hồi được một phần vốn bỏ ra. Dự án được
tiếp tục triển khai, bộ mặt đô thị sẽ trang hoàng hơn, và quan trọng
nhất là người dân có nhà. Với hoạt động này, chắc chắn nhiều tài sản BĐS
phát mãi sẽ rơi vào tay những quỹ đầu tư hoặc tổ chức có tiềm lực tài
chính.
Ông Nguyễn Khải Hoàn Chủ tịch Công ty Khải Hoàn Land |