Bạc Liêu: Cấp dưới vi phạm, cấp trên sẽ bị xử lý

Bạc Liêu:

Cấp dưới vi phạm, cấp trên sẽ bị xử lý

(Dân trí) - Để cán bộ công chức dưới quyền vi phạm công vụ; để tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp… người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong điều hành công tác cải cách hành chính sẽ bị xử lý trách nhiệm.

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ban hành Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, huyện và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh về thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC).

Theo UBND tỉnh, quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về thực hiện công tác CCHC nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong chỉ đạo điều hành công tác CCHC. Đây cũng là cơ sở để kiểm tra, xem xét, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu về tình hình, kết quả thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị.

Trong quy định của UBND tỉnh có nêu rõ trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong điều hành công tác CCHC như: Xây dựng kế hoạch công tác CCHC phù hợp tình hình thực tế của đơn vị gắn trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị, chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện; Phân công nhiệm vụ cho công chức thực hiện công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị; Tổ chức triển khai, quán triệt đầy đủ các nội dung công tác CCHC theo các chương trình, kế hoạch CCHC của Trung ương, tỉnh và của cơ quan, đơn vị mình tại các cuộc hội nghị cán bộ, công chức đầu năm.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình cũng như tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan kiểm tra đến kiểm tra công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin, báo cáo, số liệu theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc công khai minh bạch, đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra việc niêm yết, cập nhật kịp thời Bộ thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo quy định; Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định.

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của các Phòng, Ban chuyên môn và công việc của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân và nếu để xảy ra vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Quy định cũng nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm nội dung trách nhiệm nêu trên; Để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm công vụ hoặc có dư luận phản ánh về thái độ, hành vi công vụ mà không xác minh và tiến hành làm rõ, không có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi vi phạm và không kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục có hiệu quả thì bị xử lý trách nhiệm.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn bị xử lý trách nhiệm nếu để tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về công tác có liên quan đến CCHC vượt cấp, kéo dài; Xử lý không nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định của Trung ương, của tỉnh về CCHC của cấp dưới hoặc bao che cho hành vi vi phạm của cấp dưới; Cấp dưới đã báo cáo, xin chỉ thị những vấn đề thuộc thẩm quyền của người đứng đầu nhưng vẫn không kịp thời giải quyết theo quy định.

Ngoài ra, khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về giải quyết thủ tục hành chính thì trong 2 ngày làm việc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan xem xét, tiến hành các thủ tục xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tùy theo tính chất và mức độ vi phạm phải chịu các hình thức trách nhiệm theo quy định tại Điều 6, Nghị định só 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ về việc quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. 

                                                                    Huỳnh Hải



 

,