Trong 2 ngày 26 - 27.9, Diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức đã diễn ra tại TP.Huế.
Quang cảnh hội thảo sáng ngày 26.9 |
Ngay trong buổi sáng đầu tiên, diễn đàn đã nóng lên với nhiều ý kiến khác nhau về thực trạng của nền kinh tế.
Có khả năng “thủng” đáy
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bức tranh kinh tế VN năm 2013 diễn ra không mấy khác biệt so với những nhận định từ Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân diễn ra hồi tháng 4.2013. Tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ.
Viện trưởng Viện Kinh tế VN, ông Trần Đình Thiên nhận xét, từ 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, dư chấn vẫn còn song nhìn chung đã bước vào quỹ đạo phục hồi nhưng VN không nằm trong quỹ đạo đó. Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại. Vì vậy, tình thế hiện nay là kinh tế VN bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề trong khi các nền kinh tế khác đang trỗi dậy. “Nền kinh tế có thể chạm đáy, nhưng vẫn chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”, đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình và khả năng tiếp tục “thủng” đáy” - ông Thiên nói.
Nhận định về tái cấu trúc nền kinh tế theo ông Thiên “vẫn chưa có hành động chiến lược”. Cụ thể, đầu tư chưa đụng đến cốt lõi cơ chế vận hành ngân sách nhà nước (ngân sách mềm, phân cấp…), nợ xấu và sở hữu chéo ở hệ thống ngân hàng vẫn còn nguyên, các tập đoàn kinh tế nhà nước thì đề án tái cấu trúc chủ yếu là trên giấy, yếu kém vẫn y nguyên, không thể đồng khởi, bộ máy nhà nước với biên chế dư thừa vẫn không hề suy suyển…
"Các hiến kế giải pháp phải tới tai lãnh đạo"
|
Tự nhận là người làm thực tiễn, không phải là nhà nghiên cứu, nhưng TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, cho rằng điều quan trọng nhất là từ diễn đàn này ngoài chỉ ra những yếu kém phải đúc rút ra được những giải pháp, để trình lên các cơ quan cao nhất của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, để những người có trách nhiệm đưa ra những quyết sách cho nền kinh tế, như vậy mới có hiệu quả.
Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một mặt tán thành nhận định của TS Trần Đình Thiên, nhưng lại tỏ ra lạc quan về tái cấu trúc các DN nhà nước. Ông Hòa thừa nhận: “Mặc dù có đề án đã được phê duyệt, nhưng chúng tôi cũng đang mày mò làm. Tái cơ cấu không phải là tách ông này ra, nhập ông này vào mà ở chỗ cái gì xã hội hóa được thì xã hội hóa”. Nêu ví dụ về quá trình tái cơ cấu ở tập đoàn của mình, ông Hòa cho biết: "Thời gian qua trong tập đoàn đã mạnh dạn xã hội hóa đầu tư, có tư nhân đã bỏ tiền ra mua 50 - 70 xe tải để vận chuyển cho chúng tôi. Hay như việc đầu tư các tuyến băng chuyền, hiện có hai tuyến được đầu tư, trong khi tuyến băng chuyền do chúng tôi đầu tư thì 4 năm mới xong, còn tuyến của tư nhân đầu tư thì chỉ 10 tháng là xong và đi vào hoạt động".
Hiến kế cho định hướng sắp tới, TS Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Chủ tịch nước, cho rằng vẫn phải tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhưng phải có chính sách tài chính và tiền tệ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi ông Hòa tỏ ra lạc quan về quá trình tái cơ cấu các DN nhà nước, thì TS Thảo lại cho rằng cách để cho từng DN tự làm, rồi trình lên các bộ phê duyệt như hiện nay là không đúng mà phải có đề án tổng thể của nhà nước.
TS Trần Đình Thiên, trong phần đề xuất giải pháp cũng đã đưa ra những hiến kế cụ thể để đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng: Về quan điểm chỉ đạo phải ưu tiên cải cách (đổi mới lần 2), tập trung đột phá, tái cơ cấu kiểu khác ít mục tiêu, nhưng tạo được lòng tin, ưu tiên xử lý nợ xấu bằng biện pháp Chính phủ trả nợ DN và đột phá về hệ thống giá (than, điện, cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước); Về tái cơ cấu đầu tư công (tập trung sửa luật Ngân sách, chuyển sang hệ thống ngân sách cứng, ưu tiên áp dụng luật Ngân sách hằng năm); Về tái cơ cấu DN nhà nước, tập trung tái cơ cấu 1-2 tập đoàn kinh tế nhà nước nhanh trong 6 tháng, theo cách từ trên xuống, sau đó đúc rút để mở rộng ra với thời gian khoảng 2 năm phải làm xong; Về tái cơ cấu ngân hàng, tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo trong vòng 2 năm. Các giải pháp trung hạn bao gồm: soát xét, thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên tạo một số tọa độ đột phá chiến lược (mở các vùng kinh tế trọng điểm, đặc khu kinh tế thay vì cấp tỉnh như hiện nay)...
Bùi Ngọc Long