Toàn cảnh dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo 9.000 tỷ bắc qua sông Hồng

Dự án cầu Trần Hưng Đạo thuộc địa phận quận Long Biên (Hà Nội), bắc qua sông Hồng có tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, vừa được UBND TP. Hà Nội chấp thuật đầu tư theo phương thức BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao).

Theo quy hoạch chung của thành phố Hà Nội, đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cầu Trần Hưng Đạo nằm trong số 18 cây cầu bắc qua sông Hồng trong tương lai.

Cầu Trần Hưng Đạo là một trong số các lộ trình giao thông “tỷ đô” được xây dựng trên địa bàn quận Long Biên bắc qua khu vực phố cổ Hà Nội.

Ngày 10/7, đại diện UBND Hà Nội cho biết, thành phố đã giao TEDI (Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải) nghiên cứu phương án xây cầu Trần Hưng Đạo. Trước đây, thành phố dự kiến xây dựng hầm song qua khảo sát cho thấy địa chất và thủy văn sông Hồng khá phức tạp, chi phí xây dựng hầm lớn. Cầu qua sông sẽ có chi phí thấp hơn hầm và có thể tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc trong trung tâm thành phố.

Tiêu chí thiết kế đặt ra với cầu Trần Hưng Đạo là hiện đại, mang đặc trưng văn hóa truyền thống của Hà Nội và tạo dựng thương hiệu cho thành phố. Ngoài ra, đường dẫn hai đầu cầu đảm bảo kết nối hiệu quả giao thông trong khu vực.

 

Toàn cảnh dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo 9.000 tỷ bắc qua sông Hồng - 1

Một trong những phối cảnh phương án kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo. (Ảnh: TEDI)

Theo nghiên cứu của TEDI, dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã 5 nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; điểm cuối vượt qua đường Nguyễn Văn Linh, kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Toàn tuyến dài 5,5 km, trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4 km, còn lại là đường dẫn hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng.

Về quy mô, cầu rộng 31m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và hai dải đi bộ; tốc độ xe đạt 80 km/h. Trên tuyến sẽ có 5 nút giao gồm nút đầu tuyến tại ngã 5 đường Trần Thánh Tông; đê Hữu Hồng; nút giao với trục đường quy hoạch phía Long Biên; đê Tả Hồng và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh.

Trước đó, TEDI đề xuất ba phương án kiến trúc cầu. Phương án 1: Cầu Extrados bê tông cốt thép hiện đại. Kiến trúc mang phong cách hiện đại, đường nét mạch lạc, khỏe khoắn, tạo hình mạnh mẽ hiên ngang. Thiết kế kiến trúc lấy cảm hứng từ đường nét võ khí và quân phục Việt cổ. Kết cấu sử dụng dầm Extrados sơ đồ nhịp 102+4x156+102, chiều dài cầu 828 m, mặt cắt ngang cầu là 33 m với 6 làn xe. Kết cấu chính sử dụng 5 trụ tháp kết hợp với dây văng, trong đó trụ chính giữa thiết kế tạo điểm nhấn, 4 trụ hai bên đối xứng hai bên trụ chính.

Cầu vòm thép kết hợp dây văng tạo hình cánh hạc bay. Kiến trúc tạo hình cánh hạc bay mang phong cách hiện đại, thiết kế 3 vòm chính mềm mại tương phản với 4 tháp nghiêng hai bên tạo thành sự thống nhất giữa các mặt đối lập, như tinh thần hài hòa âm dương. Sơ đồ nhịp 72+180+240+180+72, chiều dài cầu là 744 m, bề mặt cầu 33,5 m, có 6 làn xe chạy.

Phương án 3: Cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển. Kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, bờ bắc khu vực phát triển mới bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính. Sơ đồ nhịp 102+4x156+102, chiều dài cầu 828 m, bề mặt cầu 31 m, với 6 làn xe.

 

Toàn cảnh dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo 9.000 tỷ bắc qua sông Hồng - 3

Phối cảnh thiết kế kiến trúc phương án phong cách cổ điển Đông Dương gây ra nhiều tranh luận trong công đồng. (Ảnh: TEDI)

 

Toàn cảnh dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo 9.000 tỷ bắc qua sông Hồng - 4

Phương án này nhận được 13/15 số phiếu của hội đồng lựa chọn với 1.261 điểm. (Ảnh: TEDI)

Kết quả lựa chọn đánh giá từ 15 thành viên hội đồng như sau: Phương án 1 và phương án 2 chỉ có 1/15 thành viên hội đồng lựa chọn, số điểm lần lượt là 1.140 điểm và 1.137 điểm. Phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn với 1.261 điểm.

Với xếp hạng nói trên, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng với phương án 3 - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương, mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.

Theo quy hoạch giao thông đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Hiện nay đã có 8 cầu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.

Trong quy hoạch sẽ có thêm 10 cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).

Nguồn: http://danviet.vn/toan-canh-du-an-xay-dung-cau-tran-hung-dao-9000-ty-bac-qua-song-hong-502021279...


 

,